Bắc Giang: “Đại thắng” vải thiều
Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Bắc Giang ước đạt 13,02%. Đây là tỉnh có kết quả tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước năm 2020.
GRDP của Bắc Giang tăng chủ yếu ở khu vực khu vực công nghiệp và xây dựng, 18,62%. Lý do chủ yếu là do trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh này có thêm hơn 82 doanh nghiệp sản xuất công nghiệp mới đi vào hoạt động (Công ty TNHH JA Solar, Công ty TNHH Lim Electronics VN, Công ty TNHH J&Y Electronics VN, Công ty Fuhong, đặc biệt là công ty TNHH Luxshare…) đã làm cho giá trị gia tăng tăng. Một số doanh nghiệp tiếp tục mở rộng và sản xuất đúng công suất đã làm tăng sản lượng cũng như giá trị sản xuất.
Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19, song tổng vốn thu hút đầu tư của Bắc Giang vẫn đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Tỉnh này thu hút được 116 dự án đầu tư, trong đó 87 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký đạt 8.374 tỷ đồng và 29 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 334,2 triệu USD. Một số dự án đáng chú ý như: Dự án Sân golf Việt Yên của Công ty Cổ phần Đầu tư Golf Trường An; Dự án nhà máy Shunsin Việt Nam sản xuất linh kiện điện tử; Dự án nhà máy sản xuất hợp kim Powerway Việt Nam…
Trong năm, Bắc Giang cũng thực hiện điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 17 dự án trong nước với tổng vốn tăng thêm là 415 tỷ đồng.
Tính đến nay một số dự án, công trình lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng, một số dự án khác có tiến độ thực hiện khá như: Khối nhà trung tâm, khối nhà chuyên khoa đặc thù, khoa truyền nhiễm và các hạng mục phụ trợ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang; các dự án đầu tư trung tâm y tế tuyến huyện; các dự án giao thông khởi công mới nâng cấp, mở rộng đường gom bên phải tuyến cao tốc Bắc Giang – Hà Nội, đoạn từ cầu vượt QL17 đến cầu vượt QL37; cải tạo, nâng cấp ĐT295B đoạn từ Nhà máy gạch Tân Xuyên đến đường Vành đai Đông Bắc thành phố Bắc Giang…
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của Bắc Giang năm qua tăng 6,65%. Cục Thống kê Bắc Giang đánh giá đây vẫn là mức tăng trưởng khá ấn tượng, khẳng định vững chắc vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Trong khu vực này, nổi bật là hoạt động tiêu thụ quả vải. Năm 2020, cây vải ở Bắc Giang có 28.100 ha, chiếm khoảng 54% tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn tỉnh. Sản lượng đạt 165.000 tấn, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đã có những lo lắng nhất định cho đầu ra của quả vải. Tuy nhiên, tỉnh này đã có những hướng đi phù hợp để đẩy tiêu thụ cả thị trường trong nước và quốc tế.
Bắc Giang lần đầu tiên chủ động phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều với 63 điểm cầu trên cả nước và 4 điểm ở Trung Quốc.

Cuối tháng 5, đầu tháng 6, trong điều kiện cần thắt chặt biên giới để phòng tránh dịch COVID-19, Thủ tướng cũng cho phép hàng trăm thương nhân Trung Quốc tới Bắc Giang mua vải.
Đầu tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp tới làm việc tại Bắc Giang, dự và cắt băng tại lễ xuất hành đoàn xe vải thiều đi tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước.
Với những sự quan tâm đó, Bắc Giang đã có một năm “đại thắng” với quả vải. Ước tính, tỉnh này đã tiêu thụ được 165.000 tấn vải. Tổng giá trị thu được từ vải và các dịch vụ phụ trợ đạt khoảng 6.900 tỷ đồng, tăng 600 tỷ đồng so với vụ vải năm 2019.
Đáng chú ý, năm nay, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang đặt chân được vào thị trường khó tính Nhật Bản (khoảng 200 tấn). Quả vải Việt Nam thậm chí còn “cháy hàng” trong các siêu thị của Nhật Bản.
Discussion about this post